Trang chủ / TRUYỀN HÌNH / TV SHOW / Câu Chuyện Cuộc Sống: Khi trẻ bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội
Câu Chuyện Cuộc Sống: Khi trẻ bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội
1008 lượt xem
14-05-2025
TV SHOW

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng, chia sẻ những câu chuyện: Khi trẻ bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội, Du học sớm cần cân nhắc thận trọng, Cảm ơn và xin lỗi.

Khi trẻ bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội

Những đứa trẻ bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội qua các video hài hước, clip thể hiện tài năng hay chỉ đơn giản là những khoảnh khắc đời thường. Những đứa trẻ này đột nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý từ cộng đồng mạng, được quan tâm và chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, khi trẻ bỗng nhiên nổi tiếng, điều này có thực sự tốt cho sự phát triển của các em?
Bé Minh Anh, sống tại TP.HCM, là một ví dụ điển hình về hiện tượng mạng với những người yêu thích các video hài hước trên Internet. Vốn là một em bé hồn nhiên, vui vẻ, Minh Anh bất ngờ trở thành một trong những cái tên được nhiều người yêu thích qua một video vui nhộn do mẹ em đăng tải.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, mẹ của bé Minh Anh (TP.HCM), cho biết: “Ban đầu, tôi cũng chỉ cho con quay những clip vui vẻ, không ngờ lại thu hút sự chú ý đến vậy. Tôi thấy con rất vui nhưng cũng lo lắng, không biết sự nổi tiếng này có ảnh hưởng tới tâm lý của con trong tương lai hay không”.



Chị Lê Thị Mỹ Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Trẻ em sẽ bị tác động bởi sự yêu mến và chú ý của cộng đồng, và tôi luôn nhắc nhở con mình rằng những điều này không phải là tất cả. Bản thân tôi muốn con mình trải nghiệm cuộc sống thực tế chứ không phải là sự nổi tiếng trên mạng”.

Thạc sĩ Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Có những em bé mới khoảng ba tuổi thôi mà đã rất nổi tiếng. Ở thời điểm đó, con đang hình thành nhân cách. Việc trở thành tiêu điểm như vậy sẽ khiến con dễ trở nên ngạo mạn, hoặc có thể gặp những sang chấn vô cùng nghiêm trọng nếu bị bài xích”.

Khi một đứa trẻ bỗng dưng nổi tiếng, sự quan tâm và yêu mến từ cộng đồng có thể khiến trẻ cảm thấy mình là trung tâm của sự chú ý. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhận ra rằng sự phát triển bền vững mới là điều quan trọng. Đôi khi, sự nổi tiếng chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống. Quan trọng hơn hết là phải giúp trẻ giữ được sự cân bằng giữa niềm vui học tập và cuộc sống gia đình, để đảm bảo sự phát triển đúng đắn trong tương lai.

Du học sớm cần cân nhắc thận trọng

Trong những năm gần đây, xu hướng du học sớm đang trở thành lựa chọn của nhiều gia đình với hy vọng mang đến cho con em mình một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, liệu du học sớm có thực sự là con đường phù hợp với tất cả mọi người? Đằng sau những lợi ích tiềm năng là những thử thách không nhỏ, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy để thực hiện được giấc mơ du học, mỗi học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị những gì?

Em N.T.L, một học sinh tại TP.HCM từng háo hức với ý tưởng du học, nhưng chỉ sau vài tháng xa gia đình, em đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới Em N.T.L chia sẻ: “Lúc đầu, em cảm thấy rất hào hứng khi được đi du học. Nhưng khi sang tới bên đó rồi, em lại cảm thấy nhớ nhà kinh khủng. Em không quen với cách học ở trường mới, rồi bị stress, suy sụp tinh thần. Em phải bỏ dở giữa chừng”.



Thạc sĩ Nguyễn Văn San – Phó Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – cho rằng có hai lợi thế khi đi du học sớm: đầu tiên là tiếp cận được văn hóa bản địa, và thứ hai là tiếp cận ngôn ngữ mới từ sớm. Tuy nhiên, trẻ sẽ phải đối diện với một số vấn đề như thiếu tình cảm gia đình, hoặc nếu không hòa nhập tốt với nền văn hóa mới sẽ dễ dẫn đến tự ti và cô lập bản thân. Trẻ em vẫn chưa có được những kỹ năng cơ bản để thích nghi với môi trường, xã hội và văn hóa khác biệt so với Việt Nam.

Du học sớm là một cánh cửa mở ra thế giới với nhiều điều thú vị, mang theo cơ hội và thử thách. Vì vậy, không phải cánh cửa nào cũng dễ dàng để bước qua. Quan trọng hơn hết, học sinh cần được hỗ trợ để hiểu rõ hoài bão và năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn con đường học vấn phù hợp. Phụ huynh hãy cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến từ chính con em mình để đảm bảo rằng quyết định này thực sự mang lại giá trị cho tương lai. Và nếu đã lựa chọn con đường du học sớm, cần chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, tài chính và tinh thần để hành trình du học trở thành trải nghiệm ý nghĩa và đạt được thành quả xứng đáng.

Văn hóa cảm ơn và xin lỗi

Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi quên đi những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh lớn – đó là lời cảm ơn và xin lỗi chân thành. Khi ai đó giúp chúng ta nhặt một món đồ rơi, mở cửa bước vào, hoặc đơn giản là dành thời gian cho ta, một lời cảm ơn không chỉ thể hiện sự trân trọng mà còn góp phần xây dựng kết nối. Thật vậy, khi vô tình mắc lỗi, một lời xin lỗi chân thành có thể xóa tan hiểu lầm và giữ gìn sự tôn trọng lẫn nhau.

Bạn Thái Vân Hà (TP.HCM) chia sẻ: “Trong cuộc sống hằng ngày, mình cảm thấy lời cảm ơn rất cần thiết. Mình rất hay dùng lời cảm ơn. Mỗi lần nói chuyện với người lớn hơn, chỉ cần họ giúp mình một chút thôi là mình sẽ nói lời cảm ơn vì đó là câu cửa miệng. Kể cả mình có sai hay không, để cho tình huống được thoải mái hơn mình vẫn sẽ nói xin lỗi”.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Thùy Trang – Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam – chia sẻ rằng khi nói lời xin lỗi hoặc cảm ơn, chúng ta sẽ vô hình tác động rất nhiều đến cảm xúc của người đối diện. Giả sử nếu lời cảm ơn mang tính chất hời hợt hoặc không chân thành, điều đó sẽ khiến người nghe không cảm nhận được sự trân trọng từ phía chúng ta.



Thạc sĩ Đoàn Thị Minh Thoa – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM – cho biết: “Tôi nghĩ rằng gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo thành một tam giác – gọi là tam giác vàng – trong việc giáo dục thế hệ trẻ biết thể hiện văn hóa cảm ơn và xin lỗi. Gia đình là bài học đầu tiên, nơi các em chứng kiến cha mẹ thể hiện lời cảm ơn và xin lỗi với nhau, từ đó học theo một cách tự nhiên. Nhà trường tiếp tục củng cố những giá trị này thông qua các bài học và môi trường ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Và cuối cùng là xã hội – nơi các kỹ năng và kiến thức được thể hiện trong thực tế”.

Có thể chúng ta không nhận ra, nhưng mỗi lần cảm ơn ai đó một cách chân thành, là chúng ta đang lan tỏa một năng lượng tích cực. Và mỗi lần dũng cảm nói lời xin lỗi, chúng ta đang giúp các mối quan hệ trở nên bền chặt hơn. Những câu nói ấy tuy ngắn ngủi, nhưng lại có sức mạnh chữa lành tổn thương và thay đổi tâm trạng con người theo hướng tích cực.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

TAGS: